Bí Quyết Dưỡng Sinh Mùa Thu

Mùa Thu của một năm cũng giống buổi chiều của một ngày, là thời điểm dương tiêu âm trưởng – dương khí thu dần vào bên trong, âm khí dần khởi sắc. Cảnh vật mùa Thu thanh bình, bầu trời trong vắt, gió heo may thổi. Thời tiết mùa Thu thất thường, ngày nóng đêm lạnh, cây cối vàng lá, khô héo, mặt đất nứt nẻ, con người cũng như vậy mà biểu hiện rụng tóc, khô da, khô họng, khát nước. Cùng với đó, trong cơ thể người thì tạng Phế tương ứng với tiết khí mùa Thu (hành Kim), mà Phế chủ hô hấp. Vì vậy mà sự biến động khí hậu mùa Thu rất dễ gây ra các bệnh ho, viêm phổi, hen suyễn, cảm cúm…

Trong phép Dưỡng Sinh Mùa Thu thì nguyên tắc cơ bản nhất là “Bổ âm, liễm âm, trữ âm tinh, giữ âm khí”. Vì vậy mà chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

I. SINH HOẠT.

Ba tháng mùa Thu, chúng ta nên ngủ sớm, dạy sớm. Ngủ sớm để tránh phong hàn buổi tối và thuận với tính thu liễm dương khí, nuôi dưỡng âm khí. Dạy sớm để hưởng không khí trong lành ban mai và để Phế khí được thông đạt.

Vận động trong tiết trời mùa Thu cũng nên nhẹ nhàng, chậm rãi để dương khí được thu liễm vào trong. Tránh vận động mạnh, quá sức, toát nhiều mồ hôi, đặc biệt là vào chiều tối để tránh gây mất tân dịch, hao tổn phần âm của cơ thể.

II. DINH DƯỠNG.

Cũng theo nguyên tắc “Thu liễm, dưỡng âm” mà mùa Thu nên ăn những thực phẩm bổ âm, sinh tân, nhuận phế như: củ sen, củ mài, của cải, dâu tằm…

Tránh ăn những thực phẩm cay nóng, gây khô táo và phát tán dương khí như: gừng, quế, hành, tỏi…

III. THẦN CHÍ.

Mùa Thu đến, chúng ta cũng cần đưa thần chí quay về bên trong nhiều hơn, giữ tâm thái bình hòa, lạc quan, vui vẻ. Tránh sự u sầu, buồn phiền mà sinh uất ức, lo âu. Chỉ có như vậy chúng ta mới giữ được Tinh – Khí -Thần đầy đủ và mạnh khỏe.

Chúc cả nhà những ngày Thu an lành 🥰

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *