Y HỌC TỰ NHIÊN TỔNG THỂ là mô hình chăm sóc sức khỏe TỔNG THỂ, bao gồm các phương pháp TRỊ LIỆU TỰ NHIÊN được sắp xếp, kết hợp với nhau một cách TOÀN DIỆN, THỐNG NHẤT, từ việc điều chỉnh LỐI SỐNG, TÂM LÝ, CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG, TẬP LUYỆN… đến việc TRỊ LIỆU, dựa trên cơ chế TỰ CHỮA LÀNH của cơ thể.
Mô hình này gồm 2 đặc điểm chính:
- Các phương pháp trong mô hình đều là các phương pháp tự nhiên, tính an toàn cao, kết hợp chặt chẽ giữa phòng bệnh và trị bệnh, dựa trên nguyên lý tự chữa lành của cơ thể.
- Mục tiêu hướng tới của mô hình là chăm sóc sức khỏe tổng thể cho mọi người, từ tổng thể ở đây được hiểu theo 2 nghĩa:
2.1. Nghĩa thứ nhất ở đây hiểu là sự toàn vẹn của cơ thể. Con người là một chỉnh thể thống nhất, không thể tách rời từng cơ quan bộ phận để quan sát, nghiên cứu và chăm sóc riêng lẻ mà thiếu cái nhìn tổng thể được. Một cơ quan bị bệnh thì vấn đề không chỉ nằm ở cơ quan đó mà còn là vấn đề của toàn bộ cơ thể. Hiểu đơn giản là một chiếc lá của cây bị bệnh thì nguyên nhân có thể nằm tại chính chiếc lá đó, cũng có thể nằm ở thân cây, rễ cây cũng có thể nằm ở đất nuôi dưỡng cây, môi trường sống của cây và cũng có thể do nhiều yếu tố kết hợp tạo nên. Chăm sóc sức tổng thể là cần có các phương pháp để chăm sóc tất cả các yếu tố trên.
2.2. Từ tổng thể còn được hiểu theo nghĩa thứ 2 là sự thống nhất và logic của các phương pháp trong mô hình. Mỗi một phương pháp kỹ thuật đều có ưu và nhược điểm riêng, để chăm sóc sức khỏe tổng thể thì việc kết hợp các phương pháp với nhau là rất cần thiết. Nhưng không phải cứ kết hợp nhiều phương pháp với nhau thì được gọi là tổng thể. Điều quan trọng là các phương pháp cần có chung hệ quy chiếu và hệ thống lý luận.
Tôi đã gặp rất nhiều các bác sĩ chữa bệnh theo Đông Y nhưng tư vấn dinh dưỡng theo Tây Y và có thể là tập luyện, rèn luyện tinh thần theo một trường phái khác nữa. Đó là kết hợp chứ không phải tổng thể, mỗi phương pháp đó là một bức tranh riêng lẻ và chúng ta đang mang nhiều bức tranh lại gần nhau, còn tổng thể thì mỗi phương pháp chỉ là 1 mảnh ghép trong một bức tranh trọn vẹn. Hiểu đơn giản là mỗi người chúng ta có phần đầu, phần thân, tay và chân. Nếu chúng ta lấy đầu người A ghép với thân người B, chân người C và tay người D thì chúng ta không thể gọi đó là một người hoàn chỉnh được dù bên ngoài chúng ta vẫn nhìn thấy đủ cơ quan bộ phận nhưng thực chất bên trong các yếu tố đang mâu thuẫn với nhau. Trong mô hình Y Học Tự Nhiên – Tổng Thể, các phương pháp được kết hợp với nhau một cách logic và dựa trên một hệ lý luận chung. Hệ lý luận cốt lõi mà chúng tôi sử dụng ở đây là hệ tư tưởng và các học thuyết của phương Đông. Từ trị liệu, dinh dưỡng, tập luyện, tinh thần… đều dựa trên hệ thống lý luận cốt lõi đó.
Vậy tại sao không gọi đó là Đông Y mà lại gọi đó là Y Học Tự Nhiên – Tổng Thể? Vì ở đây chúng tôi sử dụng hệ thống lý luận của Đông phương làm gốc nhưng không phải tất cả các phương pháp của phương Đông chúng tôi đều sử dụng, ngoài ra chúng tôi còn sử dụng các phương pháp của các nền văn hóa khác nữa, nhưng việc sử dụng các phương pháp đó vẫn dựa trên nguyên lý chung chứ không tạo ra sự mâu thuẫn. Khi đã có hệ thống lý luận cốt lõi rồi chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc kết hợp các phương pháp, kỹ thuật với nhau. Trên thực tế, hiện tại chúng tôi đang áp dụng mô hình Y Học Tự Nhiên – Tổng Thể với khoảng 80% nội dung thuộc Đông Y và 10% Tây Y và 10% nội dung khác.
Vậy hiệu quả của mô hình này đến đâu, mời các bạn đón đọc phần 2 của bài viết nhé!